Quả đúng vậy, mảng ca khúc dành
cho thiếu nhi gồm khối lượng lớn mà nhạc sĩ Phạm Tuyên đã tạo nên ghi dấu ấn
sâu đậm trong lòng mọi người, nhất là trong lòng nhiều thế hệ trẻ em: “Trường
cháu là trường mầm non”; “Cô và mẹ”; “Cả tuần đều ngoan”; “Đêm pháo hoa”... Hơn
nửa thế kỉ đã đi qua, trải qua không gian và thời gian, cho đến hôm nay từ những
khu đô thị thành phố ồn ào, náo nhiệt hay ở miền quê yên ả và thanh bình vẫn
vang lên những ca khúc do ông sáng tác.
Có một sức sáng tạo kì lạ trong
con người của nhạc sĩ, có lẽ vị thần âm nhạc thiêng liêng đã chọn ông để mà gửi
gắm tâm tư tình cảm cho những bạn trẻ nên dù bước chân đến đâu, người nhạc sĩ
cũng có những bài hát với không gian ở đó. Khi ông đến thành phố Hồ Chí Minh có
bài hát “Thành phố mười mùa hoa”; đến Cần Thơ có: “Những con kênh quê em”; đến
Đà Nẵng có: “Khăn quàng đỏ bên sông Hàn”; đến Đắk Lắk có: “Chú voi con ở bản
Đôn”; đến Hà Tây có bài: “Em đi thăm chùa Tây Phương”; đến Điện Biên có bài:
“Cánh chim Điện Biên”; ở Cao Bằng có bài: “Dòng sông quê em”; và Thủ đô Hà Nội
mến yêu có các ca khúc: “Hát dưới trời Hà Nội”; “Ngày hội bên hồ Gươm”; “Hoa
nhài Tràng An”,...
Trong việc sáng tác bài hát cho trẻ
nhỏ, nhạc sĩ Phạm Tuyên đặc biệt quan tâm đến âm điệu dân ca. Những làn điệu ấy
đã góp phần hun đúc các em nhỏ tâm hồn Việt Nam. Điểm lại trong kho tàng ngồn
ngộn văn hóa dân gian ấy là những ca khúc nằm lòng trong nhiều thế hệ và giờ mỗi
khi ở đâu đó, những ca khúc khúc ấy vang lên là lòng ta lại xốn xang, hình ảnh
cứ ùa về vỡ oà trong cảm xúc trở về với quê hương xứ sở, trở về với một thời tuổi
thơ trong trẻo ngọt ngào.
Những ca khúc đồng dao như “Bà
Còng đi chợ”; “Gánh gánh gồng gồng”; “Con chim chích chòe”; “Cái bống là cái bống
bang”; “Cái cò đi đón cơn mưa”; “Rềnh rềnh ràng ràng”; “Mau mau tỉnh dậy”; “Sên
sển sền sên”; “Trời mưa trời gió” đã nằm lòng bao tuổi thơ trên khắp mọi miền đất
nước. Ở mỗi ca khúc của người nhạc sĩ đáng kính đều có xuất xứ và hoàn cảnh ra
đời riêng.
Người nhạc sĩ trầm ngâm hồi tưởng
lại: Mùa hè năm 1954, khi Hiệp định Geneve được kí kết, nhạc sĩ đang ở khu học xá
Trung ương (đóng tại Nam Ninh - Trung Quốc). Một phong trào phấn đấu học tập,
tu dưỡng được phát động rộng rãi trong thanh thiếu niên của Khu. Đoàn thanh
niên Cứu quốc (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) có chủ trương chuyển
thẳng lên đoàn viên đối với những đội viên Đội Thiếu nhi tháng Tám (nay là Đội
Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) có thành tích học tập và rèn luyện tốt.
Có nghĩa là với các em ở lứa tuổi
14-15 nếu phấn đấu tốt về mọi mặt sẽ có thể trở thành đoàn viên thanh niên, rời
chiếc khăn quàng đỏ để nhận lấy huy hiệu Đoàn đeo trên ngực. Nhạc sĩ đã sáng
tác ca khúc: “Tiến lên Đoàn viên” trong khu kí túc xá của nước bạn.
Trong đêm nhạc “Cánh én tuổi thơ”
giới thiệu những bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên qua các thời kì do
cung Thiếu nhi Hà Nội tổ chức cách đây vừa tròn 20 năm. Năm 1998, trên sân khấu
xuất hiện một tốp ca ngẫu hứng, gồm nhiều người công tác ở nhiều nơi mà nay tóc
đã bạc lên hát bài ca này, khiến một nhà báo nước ngoài đã phải thốt lên: “Thật
ngoạn mục!”.
Ca khúc “Tiến lên Đoàn viên” được
bình chọn vào danh mục các bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỉ XX do Đoàn Thanh
niên Cộng sản Hồ Chí Minh kết hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt
Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Trong nhiều bài hát cho thiếu nhi,
có những bài nằm lòng trong nhiều thế thệ, thậm chí những cô bé, cậu bé khi xưa
nay tóc đã bắt đầu điểm sợi bạc nhưng vẫn
thuộc. Bài hát: “Trường cháu là trường mầm non” là một bài như thế, và nó có
hoàn cảnh ra đời khá thú vị. Đó là vào dịp cuối năm 1972, gia đình nhạc sĩ ở phố
Đại La (Hà Nội), bị máy bay Mĩ ném bom
phá sập. Sau đó gia đình nhạc sĩ sơ tán về ở tạm cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam
58 phố Quán Sứ, Hà Nội.
Nơi đó gần với trường mẫu giáo Mầm
non A phố Thợ Nhuộm, gia đình phấn khởi gửi con út là Hồng Tuyến đến trường.
Con gái của nhạc sĩ rất thích ngôi trường, mỗi lần đi học về là bé lại ríu rít
kể cho bố mẹ nghe những điều thích thú xảy ra ở lớp học.
“Trường cháu là trường mầm non” ra
đời, con gái nhạc sĩ chính là người được hát thử đầu tiên. Thấy con gái hát được,
nhạc sĩ mới mang bài hát đến dạy lại cho các cô giáo ở trường. Lúc đấy Trường mầm
non là tên riêng của trường con gái nhạc sĩ. Sau này thành tên chung của cả
ngành học như hiện nay. Bài hát đã được Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng tặng giải
thưởng và cho đến tận ngày nay bài hát vẫn phổ biến rộng khắp các trường mầm
non trên toàn đất nước.
Có một bài hát mà có lẽ không một
ai không từng hát qua hoặc từng chí ít nghe con cháu mình hát. Đó là bài: “Cô
và mẹ”. Bài hát ra đời vào năm 1974, đó là khi gia đình của nhạc sĩ lại chuyển
về ở khu tập thể Khương Thượng, quận Đống Đa. Vợ chồng nhạc sĩ lại tìm đến một
trường mẫu giáo ở gần nhà là trường Mầm non Đống Đa ở khu Kim Liên để gửi cô
con gái út, lúc này đã lên mẫu giáo lớn.
Cô Hiệu trưởng lại đề nghị là bố
cháu phải viết một bài hát để tặng trường. Nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng đã quen với
lứa tuổi thiếu nhi vì hằng ngày vẫn đưa con đi học và ông lại có người bạn đời
đang nghiên cứu và giảng dạy tâm lý học trẻ em nên nhanh chóng hình thành bài
hát.
“Cô và mẹ” rất giản dị, ngay khi
đưa bài hát vào trường mầm non của cô con gái út nhạc sĩ đang đi học thì bài
hát đã nhanh chóng bay đến các ngôi trường mầm non khác và bay ra các tỉnh và
vào cả trong Nam. “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo/ Khi đến trường cô giáo như mẹ
hiền/ Cô và mẹ là hai cô giáo/ Mẹ và cô, ấy hai mẹ hiền”. Nhạc sĩ kể lại. Đó là
dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 năm đó, khi ngồi xem con em cán bộ trong Đài
liên hoan văn nghệ, đồng chí Trần Lâm (hồi đó là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt
Nam) ngồi ở hàng ghế khán giả nghe các cháu hát bài “Cô và mẹ”, thích quá liền
vỗ mạnh vào đùi nhạc sĩ Phạm Tuyên đang ngồi cạnh mà kêu lên khoái chí: “Hay,
hay, hay lắm! Thằng cha nào viết bài này mà hay thế”.
Nhạc sĩ dừng giọng kể, ông nói:
“Bài hát này lại có một số phận trớ trêu là thường bị đám choai choai nghịch ngợm
xuyên tạc lời đi, nhưng cũng chứng tỏ sức lan tỏa giai điệu của bài hát thật
mãnh liệt.
“Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội”
cũng là một ca khúc nằm lòng bao lớp thanh thiếu niên của Thủ đô. Mùa thu 1981,
Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức. Đây là cột mốc
quan trọng trong sinh hoạt của tuổi thơ vì đây là lần đầu tiên sau ngày đất nước
thống nhất, đại biểu các em nhỏ thiếu nhi trong cả nước được gặp nhau ngay giữa
Thủ đô Hà Nội.
Ban Thiếu nhi Trung ương Đoàn mời
nhạc sĩ Phạm Tuyên viết một bài hát nhân sự kiện trọng đại này. Trong 4 mùa,
mùa thu với người sáng tác mang nhiều cảm xúc, đó là khi tiết trời chia tay với
cái nắng gay gắt oi ả của ngày hè để bước vào mùa với nắng nhẹ và từng cơn gió
mát lành trong trẻo.
“Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội/
Khăn quàng đỏ rực trong nắng vàng tươi/ Cùng bên nhau giữa tình thương đồng đội/
Những cháu Bác Hồ về từ khắp nơi nơi/ Hãy cất tiếng hát nhịp nhàng cùng múa ca/
Hãy cất tiếng hát trong tình thân ái bao la...”. Bài hát được chọn để biểu diễn
hôm khai mạc Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ năm 1981 do Đoàn Quân nhạc và dàn kèn của
CLB Thiếu nhi Hà Nội trình bày, sau đó được phổ biến ngay trong Đại hội. Bài
hát rất dễ thuộc, dễ hát với lời ca âm điệu rộn ràng, trong sáng, vui tươi.
Sau khi được tốp Sơn ca của Đài Tiếng
nói Việt Nam thu thanh và ghi hình, bài hát đã chiếm chọn tình cảm của các bạn
nhỏ trên cả nước. Ngay sau đó bài hát “Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội” được coi
là bài hát truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Bài hát cũng
được bình chọn vào danh sách những bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX.
Các
cháu thiếu nhi hát bài “Chiếc đèn ông sao” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Một
bài hát quen thuộc nữa của nhạc sĩ Phạm Tuyên và rất gần gũi với khán giả cả nước
đó là “Chú voi con ở bản Đôn”. Vào mùa hè năm 1983, tỉnh Đắk Lắk mời nhạc sĩ Phạm
Tuyên cùng một số nhạc sĩ về thăm và sáng tác cho miền quê hương ở trên cao
nguyên đất đỏ này. Nhóm nhạc sĩ đã đi nhiều nơi trong tỉnh từ nông trường, công
trường đến các buôn làng trong mọi ngóc ngách và được sưởi ấm bằng tình cảm
chân thành, chan chứa yêu thương của người dân trong bản làng buôn xóm. Những
giai điệu dân ca Ê-đê, Mơ-nông... với những tiếng cồng chiêng rộn rã của vùng đất
Tây Nguyên vang lên đầy khoáng đạt đã thêm chất liệu cho người nhạc sĩ tài hoa.
Trong chuyến đi năm đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên đắm mình vào những
câu chuyện ở Buôn Mê Thuột, thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk. Ông đã được nghe nhiều
câu chuyện huyền thoại về mảnh đất này. Hấp dẫn nhất là những chú voi ở bản
Đôn. Chỉ có điều, khi đến thăm bản Đôn thì lại chỉ thấy buôn làng thưa thớt, vắng
vẻ và tuyệt nhiên chẳng thấy có con voi nào to cả.
Sau một hồi trò chuyện, nhạc sĩ mới
biết, ban ngày các gia đình đều thả voi vào rừng và họ chỉ gọi voi về khi có việc
cần bằng tín hiệu riêng của từng nhà. Câu chuyện được già làng kể cho nhạc sĩ về
cách săn bắt, cách thuần dưỡng con vật đáng yêu này, về cả thành tích mà voi đã
góp trong những năm chống Mĩ hay vận chuyển gỗ cho các nông trường trong những
năm xây dựng hòa bình.
Nhạc sĩ tiếc là không được thấy
chúng nhưng khi đi dạo buôn làng thì nhạc sĩ nhìn thấy những chú voi con bị buộc
chân quanh các nhà sàn. Nhìn chú voi con mới đáng yêu và ngộ nghĩnh làm sao. Những
hình ảnh về các chú voi con cứ in hình trong người nhạc sĩ thế là ngay trên đường
về, ngồi trên ô tô, bài hát “Chú voi con ở bản Đôn” đã ra đời.
Vậy là hôm báo cáo bài hát cho tỉnh
Đắk Lắk và bà con gần đó, bên cạnh những bài hát dành cho người lớn lại xuất hiện
bài hát dành cho thiếu nhi. Mấy chục năm qua đi, đến nay bài hát này vẫn tiếp tục
được các bạn nhỏ thiếu nhi của cả nước yêu mến.
Hạnh phúc của người nhạc sĩ thật
giản dị mà cũng thật bao la. Những bài hát của ông dành cho lứa tuổi thiếu
niên, nhi đồng đã ngấm vào tuổi thơ như một món quà vô giá. Nhạc sĩ Phạm Tuyên
từng kể: “Có hôm đang đi ngoài đường, có một người phụ nữ nhận ra tôi tiến lại
bảo, ông ơi, những bài hát mà ông sáng tác cho thiếu nhi, bố mẹ con hát, rồi đến
đời con cũng hát những bài hát ấy. Đến giờ thì lại đến lượt con của con. Cả nhà
con cả 3 thế hệ đều hát bài hát ông sáng tác!”. Và có lẽ sẽ còn nhiều thế hệ nữa...
-
Ban biên tập trường -