Học sinh, giáo viên cả nước ủng hộ sách vở cho trẻ em vùng lũ miền Trung
Mưa lũ lịch sử ở miền Trung đã khiến sách vở, tài liệu và đồ dùng học tập của nhiều học sinh bị hư hỏng nặng, không thể sử dụng. Trước tình hình trên, nhiều trường học, tổ chức giáo dục đã kêu gọi quyên góp tiền mặt, sách vở ủng hộ trẻ em miền Trung. Giáo viên dành 1 ngày lương, học trò viết thư gửi vùng lũ.
Những ngày vừa qua, người
dân cả nước đều hướng về khúc ruột miền Trung.
Nơi đây vừa đã, đang xảy ra tình trạng mưa lũ và ngập lụt rất nặng. Nhiều
trường học trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế phải cho học sinh
nghỉ học để phòng tránh mưa lũ.
Ngoài ra, trước tình hình
như hiện tại thì nhiều ngôi trường bị lụt sâu lên đến hàng mét, nhiều đồ dùng,
trang thiết bị của trường bị hư hỏng, thiệt hại nặng nề khiến ai nấy đều đau
xót.
Để chia sẻ khó khăn với người dân miền Trung chịu ảnh
hưởng nặng nề của lũ lụt, nhiều trường học đã kêu gọi sự chung tay của cán bộ,
giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Với
tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia những khó khăn với đồng bào miền Trung
ruột thịt đang chịu thiên tai lũ lụt, trường THCS Hải Đường (huyện Hải Hậu -
Nam Định) đã phát động quyên góp ủng hộ. Toàn trường có 803 học sinh đã
quyên góp được 1061 quyển vở ghi, 1572 quyển sách giáo khoa các loại, 251 chiếc
bút và nhiều đồ dùng học tập khác. Bác Khổng Minh Châu và cô giáo Ninh Thị
Huyền đã nhận và gửi món quà nhỏ tới các bạn học sinh miền Trung!
Đợt lũ thứ nhất từ 06 đến 13 tháng 10,
các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ hư hỏng cơ sở vật chất, hạ tầng
cho đến thiệt hại người và của, tác động xấu tới đời sống của người dân. Đợt lũ
thứ hai từ ngày 16 tháng 10, miền Trung tiếp tục chịu tác động của cơn áp thấp nhiệt đới mới trong quá trình biến
chuyển thành bão cùng không khí lạnh, không ngừng tiếp nhận các đợt mưa lớn,
đợt lũ lụt kéo dài. Một số vùng miền Trung có mực nước vượt qua lịch sử năm
1979, 1999, xác lập kỷ lục mới về thiên tai bão lụt. Đợt lũ thứ ba từ ngày
25 tháng 10, với hai cơn bão đổ bộ, đặc biệt cuồng phong nghiêm trọng của
bão Molave ngày 28, 29 gây tổn thất vô cùng lớn.
Lũ lụt miền Trung 2020 được xem là một đợt lũ lụt
lịch sử mới, được đặt mức báo động IV, thuộc về cấp bậc thiên tai
nguy hiểm, rủi ro rất lớn của Việt Nam,
ảnh hưởng sâu rộng và tác động gây tổn thất, thiệt hại toàn khu vực, phá
hủy, trì hoãn và đẩy ngược nền kinh tế - xã hội của miền Trung Việt Nam, đặc
biệt tại các địa phương như Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, vốn
trước đó không lâu những địa phương này là điểm nóng của đại dịch COVID-19 đợt hai tại Việt
Nam.
Câu chuyện giáo dục: Từ bão lụt miền Trung nghĩ về
những bài học cho trẻ
Bấy lâu nay,
sách vở nhà trường đã có quá nhiều bài học lý thuyết về tấm lòng tương thân
tương ái, về “lá lành đùm lá rách”, về nghĩa cử “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của
tinh thần người Việt “người trong một nước phải thương nhau cùng”… Nhưng
những bài học ấy sẽ trở thành lý thuyết “xám xịt” nếu không chịu áp dụng thực
tế, không chịu thực hành, biến thành những hành động đẹp đẽ, “xanh tươi”. Mà
bão lụt, thiên tai là những dịp để cho nhà trường, gia đình có “điều kiện” giáo
dục con trẻ. Giáo dục các em về sự đồng cảm, sẻ chia, về tiết kiệm.
Nghẹn tiếng Miền Trung
Rừng ngã xuống rồi người ngã xuống
Lũ trào dâng đau buồn trào dâng
Đất lở màu đau. Nước lũ màu tàn phá
Chỉ đau thương có màu đỏ bầm
Không thét nổi thì gào trong câm lặng
Dân đen có tội gì đâu?
Khóc được sẽ vơi như sông chảy từ nguồn
Đổ nát và tang tóc là từ trời đổ xuống
Hay cũng từ lòng tham? Nhân gieo thành quả để giờ tan hoang?
Miền Trung thành cối giã
Trời lấy chầy mưa giã đất đá kinh hoàng
Con người thành đàn kiến
Tổ tan rồi chống chọi với hồng hoang
Sao cứ phải Miền Trung thừa thiên tai gian khó
Mưa trắng trời khăn tang trắng đất
Cơm mẹ nghèo chan nước mắt nuốt làm sao
Ở nơi khác
Xin hãy bớt cờ hoa kèn trống
Để nghe tiếng Miền Trung nghẹn ngào.
NGUYỄN ĐỨC HẠNH
(Tưởng nhớ các anh
gặp nạn ở đêm Rào Trăng)
(Nguồn Báo Văn nghệ
số 43/2020)